Thoái hoá khớp háng: Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị hiệu quả

Thoái hoá khớp háng có thể gây đau, biến đổi cấu trúc khớp, dẫn đến tàn phế nếu không được điều trị tích cực. Hãy cùng Cốt Vị Vương Nam Hà tìm hiểu về nguyên nhân, triệu chứng cũng như cách điều trị và cách phòng ngừa thoái hóa khớp háng qua bài viết dưới đây.

1. Thoái hoá khớp háng là gì?

Thoái hóa khớp háng là bệnh lý chủ yếu gặp ở những người lớn tuổi, do hậu quả của tuổi tác và tình trạng mài mòn khớp kéo dài. Người bệnh thoái hóa khớp háng thường bị đau đớn kéo dài, cấu trúc khớp bị biến đổi và thậm chí là tàn phế, điều này ảnh hưởng nghiêm trọng tới chất lượng cuộc sống cũng như tạo thêm gánh nặng cho gia đình và xã hội. Nếu được chẩn đoán và điều trị sớm, bệnh sẽ tiến triển chậm lại, giảm triệu chứng đau đớn, giúp người bệnh khỏe mạnh hơn, giảm nguy cơ bị tàn phế.

thoai-hoa-khop-hang-1
Thoái hóa khớp háng gây ảnh hưởng đến sức khoẻ của người bệnh

2. Phân loại bệnh thoái hóa khớp háng

Thoái hóa khớp háng nguyên phát: Chiếm tỷ lệ 50% các trường hợp, thường gặp ở người trên 60 tuổi.

Thoái hóa khớp háng thứ phát: Được phân thành các dạng nhỏ như sau:

  • Thoái hóa khớp háng sau chấn thương như: gãy cổ xương đùi, trật khớp háng, vỡ ổ cối.
  • Thoái hóa khớp háng sau biến dạng mắc phải Coxa plana hoặc sau khi bị hoại tử vô khuẩn chỏm xương đùi.
  • Thoái hóa khớp háng trên nền dị dạng cũ: trật khớp háng, thiểu sản khớp háng…

3. Nguyên nhân gây thoái hóa khớp háng

Theo các nghiên cứu, có nhiều nguyên nhân gây bệnh thoái hóa khớp háng, bao gồm:

Nguyên nhân nguyên phát: 

Chủ yếu gặp ở người cao tuổi, chiếm tỷ lệ cao nhất. 

Nguyên nhân thứ phát:

  • Tiền sử khớp háng bị viêm do viêm khớp, thấp khớp, viêm cột sống dính khớp, viêm khớp do lao.
  • Chấn thương khớp háng do tập luyện, lao động, chơi thể thao, ngã khi leo cầu thang…
  • Hoại tử vô khuẩn chỏm xương đùi mà không được điều trị dứt điểm nên khi bước sang tuổi trung niên dễ bị thoái hóa khớp háng.
  • Thoái hóa khớp háng do bẩm sinh từ khi sinh ra đã có cấu tạo bất thường ở khớp háng hoặc chi dưới.
  • Thoái hóa khớp háng do biến chứng của các bệnh khác như: đái tháo đường, bệnh huyết sắc tố, gút…

4. Triệu chứng điển hình của bệnh thoái hóa khớp háng

  • Người bệnh thường đi lại khó khăn, đi khập khiễng do khớp háng chịu trọng lực cơ thể nhiều nhất.
  • Người bệnh bị đau vùng bẹn, sau đó lan xuống đùi, có thể xuống tới khớp gối, ra sau mông hoặc vùng mấu chuyển xương đùi; đau tăng lên khi cử động hoặc đứng lâu.
  • Bệnh nhân thường xuyên cảm thấy tê cứng và mỏi khi vận động hoặc co duỗi khớp háng.
  • Giảm biên độ vận động khớp háng gây ảnh hưởng đến các động tác sinh hoạt hằng ngày như: ngồi xổm, buộc dây giày, đi vệ sinh…
  • Xuất hiện những cơn đau nhói mỗi khi có hành động xoay người, gập người hoặc dạng háng và khi nghỉ ngơi sẽ cảm thấy hết đau.
  • Khi sang giai đoạn sau, những cơn đau xuất hiện dồn dập vào buổi sáng khi vừa thức dậy và đau mỏi hơn về chiều tối. Các cơn đau xuất hiện khi người bệnh đột ngột đổi tư thế từ ngồi sang đứng, và đau nhiều khi di chuyển. Về sau, người bệnh đau kể cả khi nghỉ ngơi, đặc biệt là khi thời tiết chuyển mùa.
thoai-hoa-khop-hang-2
Người bệnh sẽ đi lại khó khăn do khớp háng bị thoái hoá

5. Các phương pháp điều trị thoái hóa khớp háng

5.1. Điều trị nội khoa chữa thoái hóa khớp háng

  • Các thuốc giảm đau, chống viêm.
  • Giữ cân nặng của cơ thể hợp lý.
  • Dùng các thiết bị hỗ trợ quá trình di chuyển, cũng như giúp cải thiện chức năng của các khớp như: nạng, gậy, xe tập đi…
  • Tập vật lý trị liệu: Các bài tập vật lý trị liệu thường có tác dụng giúp tăng cường lưu thông máu, tăng cường sự linh hoạt của các khớp và tăng cường cơ bắp xung quanh hông. 

5.2. Điều trị ngoại khoa chữa thoái hóa khớp háng

Phương pháp này được áp dụng khi các biện pháp nội khoa không có hiệu quả, khả năng vận động bị suy giảm nghiêm trọng với mục đích chính là giảm đau và cải thiện chức năng vận động của khớp háng. Có 3 phương pháp điều trị ngoại khoa đang được áp dụng hiện nay:

  • Cắt bỏ xương: Để hạn chế hình thành các gai xương hoặc biến dạng khớp, nhờ đó mà các bệnh nhân có thể vận động được bình thường.
  • Thay một phần khớp háng: Được tiến hành khi khớp háng chỉ hư một phần và sụn đã bị bào mòn.
  • Thay toàn bộ khớp háng: Được tiến hành để thay khớp háng nhân tạo, có chức năng tương tự như khớp háng tự nhiên. Cách điều trị này thường được chỉ định trong trường hợp bệnh nhân bị bệnh rất nặng, có triệu chứng đau nhiều và trên 60 tuổi.
thoai-hoa-khop-hang-3
Điều trị bằng các loại thuốc chống viêm, giảm đau theo chỉ định của bác sĩ

6. Phòng ngừa thoái hóa khớp háng

  • Trường hợp bị bệnh viêm, chấn thương hoặc dị tật bẩm sinh ở khớp háng, người bệnh nên tích cực điều trị càng sớm càng tốt để hạn chế nguy cơ bị thoái hóa khớp khi lớn tuổi.
  • Những người đã bị thoái hóa khớp háng có thể phòng ngừa, hạn chế được các cơn đau bằng cách tập thể dục nhẹ nhàng, ăn nhiều thực phẩm giàu canxi như: sữa, tôm, cua, ốc, dầu cá…
  • Cần duy trì tinh thần thoải mái, đi ngủ đúng giờ.
  • Cần điều trị triệt để các bệnh lý có nguy cơ ảnh hưởng đến thoái hóa khớp háng như bệnh gout, đái tháo đường…
  • Duy trì cân nặng cơ thể hợp lý để làm giảm gánh nặng lên khớp háng và các khớp khác.
  • Hạn chế ngồi quá lâu, ngồi xổm, khuân vác vật nặng… vì có thể làm ảnh hưởng đến quá trình vận động khớp háng.
  • Cần hết sức cẩn trọng trong quá trình vận động, tránh va chạm chấn thương gây gãy cổ xương đùi, trật khớp háng.
  • Xây dựng chế độ ăn uống khoa học, lành mạnh, tăng cường canxi, omega 3 và vitamin D giúp bổ sung sụn khớp, phục hồi chức năng ở các khớp. Bên cạnh đó nên hạn chế thức ăn cay nóng, nhiều dầu mỡ, rượu bia và các chất kích thích… gây ảnh hưởng đến quá trình vận động của các khớp.
  • Nên tập thể dục đều đặn để tăng cường lưu thông máu, tăng cường sức khỏe của các khớp.
  • Ngoài ra, bạn nên thường xuyên đi khám sức khỏe định kỳ để phát hiện bệnh sớm, từ đó có biện pháp hạn chế sự phát triển của bệnh ngay từ giai đoạn sớm.

Bài viết trên đã cung cấp những thông tin hữu ích về bệnh thoái hoá khớp háng, hy vọng qua đây các bạn đã hiểu rõ hơn về nguyên nhân, triệu chứng và cách phòng ngừa hiệu quả. 

Call Now Button