Nguyên nhân và cách điều trị thoát vị đĩa đệm

Tình trạng thoát vị đĩa đệm xảy ra là khi nhân nhầy của đĩa đệm cột sống bị chệch ra khỏi vị trí bình thường và chèn ép vào các rễ thần kinh gây ra hiện tượng tê bì, đau nhức. Hãy cùng chúng tôi đề cập nguyên nhân và cách điều trị thoát vị đĩa đệm qua bài viết dưới đây.

1. Tìm hiểu nguyên nhân gây thoát vị đĩa đệm

Dưới đây là một số nguyên nhân phổ biến gây ra tình trạng thoát vị đĩa đệm:

  • Do lao động quá sức hoặc sai tư thế: những người làm việc, vận động, làm việc quá sức hoặc sai tư thế có khả năng dẫn đến đĩa đệm và cột sống bị tổn thương.
  • Do tuổi tác: đây là nguyên nhân mà đa số các bệnh nhân gặp phải, bởi khi quá trình lão hoá trong cơ thể diễn ra, đĩa đệm và cột sống bị mất nước, gây ra tình trạng thoái hoá xơ cứng và rất dễ dàng bị tổn thương.
  • Do chấn thương: người bệnh có thể gặp những chấn thương ở vùng lưng, gây ảnh hưởng đến đĩa đệm.
  • Do bẩm sinh: những trường hợp có bệnh lý bẩm sinh như vùng cột sống gù vẹo, thoái hoá cột sống… cũng có nguy cơ bị thoát vị đĩa đệm cao.
  • Yếu tố di truyền: trong gia đình có người thân bị thoát vị đĩa đệm, thì bạn cũng có nguy cơ mắc cao hơn.
  • Ngoài ra, còn một số yếu tố là nguyên nhân gây ra thoát vị đĩa đệm như: cân nặng của cơ thể càng lớn thì tạo áp lực cho đĩa đệm cột sống càng cao; hoặc những đối tượng lao động chân tay, mang vác nặng cũng có nguy cơ mắc cao hơn người khác…

Nguyên nhân chủ yếu gây ra thoát vị đĩa đệm là do sự lão hoá của cơ thể

2. Cách điều trị thoát vị đĩa đệm

Thoát vị đĩa đệm ban đầu thường bị nhầm lẫn với những cơn đau nhức thông thường, do đó nhiều người chủ quan không thăm khám. Thực tế, bệnh thoát vị đĩa đệm có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm nếu không được phát hiện, và xử lý kịp thời. Hiện nay, có nhiều cách điều trị thoát vị đĩa đệm, mỗi phương pháp đều có những ưu điểm và hạn chế riêng.

Điều trị thoát vị đĩa đệm bằng các bài tập

Để hỗ trợ điều trị thoát vị đĩa đệm, có một số bài tập phù hợp rất hiệu quả. Luyện tập vừa phải, đúng cách giúp người bệnh giảm áp lực lên cột sống, nhờ vậy giảm các cơn đau, tăng sự dẻo dai cho xương khớp và đẩy nhanh tiến trình phục hồi bệnh. 

Người bệnh thoát vị đĩa đệm có thể thực hiện các động tác nhẹ nhàng như tập yoga, đi bộ, đạp xe… Tránh tập các bộ môn như: tập gym, chơi golf, cầu lông, tennis, bóng đá… Ngoài ra, nên hạn chế các động tác ngồi xổm, vận động mạnh…

Cách điều trị thoát vị đĩa đệm bằng phương pháp nội khoa

Tuỳ thuộc vào mức độ tổn thương của từng bệnh nhân, để cải thiện tình trạng căng cứng cơ khớp, giảm các cơn đau bác sĩ sẽ chỉ định sử dụng một số các loại thuốc. Tuy nhiên, điều trị bằng phương pháp này chỉ có tác dụng giảm đau tạm thời, không điều trị được tận gốc nguyên nhân gây bệnh và dễ bị tái phát. Nếu lạm dụng thuốc trong thời gian dài, sẽ làm cho bệnh ngày càng trầm trọng và ảnh hưởng đến các bộ phận khác như dạ dày, gan, thận.

Điều trị thoát vị đĩa đệm bằng nội khoa được nhiều người lựa chọn

Tiêm Corticosteroid ngoài màng cứng cột sống

Đây là một phương pháp tiêm thuốc vào khoang ngoài màng cứng, nơi có chứa các rễ thần kinh chạy từ tuỷ sống, với mục đích giảm đau và chống viêm nhanh. Tuy tác động nhanh đến các dây thần kinh cột sống bằng cách loại bỏ các protein gây sưng, nhưng không thể làm cho đĩa đệm bị thoát vị trở về được trạng thái bình thường. Vì vậy, đây là cách điều trị thoát vị đĩa đệm không có hiệu quả chữa bệnh tận gốc.

Tập vật lý trị liệu thoát vị đĩa đệm

Phương pháp vật lý trị liệu phổ biến giúp người bệnh cải thiện được những cơn đau nhức do thoát vị đĩa đệm gây ra một cách hiệu quả. Song song với quá trình dùng thuốc, người bệnh có thể kết hợp cùng các bài tập vật lý trị liệu để giảm đau, cũng như hạn chế sự chèn ép của các dây thần kinh do sai tư thế trong quá trình sinh hoạt và lao động. Tuy nhiên, bạn nên tham khảo ý kiến bác sĩ về các bài tập, hoặc có sự hỗ trợ của trang thiết bị máy móc sẽ giúp bệnh nhanh chóng được cải thiện hơn. 

Điều trị thoát vị đĩa đệm bằng các bài tập vật lý trị liệu

Phẫu thuật điều trị thoát vị đĩa đệm

Hầu hết những người bị thoát vị đĩa đều không cần phẫu thuật, người bệnh chỉ cần nghỉ ngơi, dưỡng sức và kết hợp một số phương pháp điều trị như vật lý trị liệu, sử dụng thuốc… thì tình trạng sẽ bắt đầu cải thiện sau 4 – 6 tuần. Do đó, nếu cần can thiệp phẫu thuật thoát vị đĩa đệm thì bác sĩ sẽ căn cứ vào tính chất tổn thương, vị trí, biến chứng cũng như mức độ ảnh hưởng tới khả năng vận động, sinh hoạt và lao động của bệnh nhân.

Bác sĩ thường khuyên những trường hợp dưới đây nên can thiệp bằng phẫu thuật:

  • Sau khi điều trị bằng phương pháp nội khoa 6 – 8 tuần mà không có hiệu quả.
  • Người bệnh thường xuyên gặp các cơn đau đột ngột vùng thoát vị, cùng với đó là cảm giác đau đớn dữ dội dù đã dùng các biện pháp khác.
  • Trường hợp người bệnh bị kiểm soát bàng quang, đường ruột (hay còn gọi là hội chứng chùm đuôi ngựa).

Nếu không có tác động hỗ trợ điều trị thoát vị đĩa đệm từ bên ngoài thì người bệnh rất khó có thể trở về trạng thái ban đầu, thậm chí có nguy cơ tàn phế rất cao. Chính vì vậy, người bệnh cần lắng nghe cơ thể, nhận biết sớm các triệu chứng và tác động điều trị kịp thời, nhanh chóng hồi phục và ngăn được các biến chứng nguy hiểm xảy ra.

Call Now Button